T19. THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ


THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ
(Phan Trọng Mưu)

Kỷ độ tang thương kỷ độ kinh
Nhất phiên hồi thủ nhất phiên tình
Ngưu Hồ dĩ biến tam triều cuộc
Long Đỗ do dư bách chiến thành
Nùng lĩnh phù vân kim cổ sắc
Nhị hà lưu thủy khấp ca thanh
Cầm Hồ đoạt sáo nhân hà tại
Thùy vị giang sơn tẩy bất bình

Dịch nghĩa:
NHỚ THÀNH THĂNG LONG
Mấy bận đổi thay mấy bận thấy kinh hoàng
Mỗi lần ngoảnh đầu lại là mỗi lần thương tình
Ngưu Hồ đã trải qua ba triều đại (1)
Long Đỗ (2) còn đây ngôi thành bách chiến
Núi Nùng mây bay như sắc kim cổ
Sông Nhị (3) nước chảy tựa tiếng khóc ca
Người bắt giặc Hồ và đoạt giáo (4) giờ ở đâu
Ai vì núi sông mà rửa nỗi bất bình.

Chú thích:
(*) Lịch sử: Năm 1902, vua Thành Thái được chính quyền thực dân Pháp mời ra Hà Nội dự lễ khánh thành cầu Doumer bắc qua sông Nhị (tức là cầu Long Biên ngày nay). Danh sĩ Cần Vương Phan Trọng Mưu, lúc đó đang bị quản thúc ở Hà Nội, đã sáng tác bài thơ này để giãi bày tâm sự về thời thế. Bài thơ vì thế đã bị tưởng lầm là của vua Thành Thái.
(**) Tác giả: Phan Trọng Mưu sinh năm 1951 ở La Sơn, Hà Tĩnh, đỗ tiến sỹ triều vua Tự Đức, làm quan đến chức đốc học Quảng Ngãi, sau tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp cùng Phan Đình Phùng ở Hương Khê Hà Tĩnh nên bị đục tên trên bia tiến sỹ ở Huế rồi bị kiềm chế ở Hà Nội.
(1) Ngưu Hồ tức là Hồ Kim Ngưu, một tên gọi khác của Hồ Tây ở Hà Nội. Ba triều đại là Lý, Trần, Lê từng đóng đô ở Thăng Long
(2) Long Đỗ: nghĩa là rốn rồng, chỉ kinh đô Thăng Long
(3) Sông Nhị: đoạn sông Hồng chảy qua Thăng Long Hà Nội uốn lượn như vành tai người nên gọi là Nhĩ Hà, sau đọc lệch thành Nhị Hà.
(4) Bài thơ "Tụng giá hoàn kinh" của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải viết sau khi chiến thắng giặc Nguyên xâm lược có câu
          Đoạt sáo Chương Dương độ
          Cầm Hồ Hàm Tử quan
Nghĩa là: Đoạt giáo ở bến Chương Dương, Bắt giặc Hồ (giặc Nguyên Mông) ở cửa Hàm Tử.

1 comment:

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN