93. THIỆN ÁC ĐỀU CÓ THỂ LÀM GƯƠNG



     Thượng hoàng Trần Minh Tông thường hay bàn về các nhân vật của triều nhà Trần để dạy vua và các hoàng tử. Thái bảo Uy Túc công Trần Văn Bích khuyên:

- Xét bàn nhân vật để dạy hoàng tử, chỉ nên nhắc tới người thiện, còn kẻ ác hãy bỏ chớ bàn đến, sợ các hoàng tử nghe được, có thể sẽ có người bắt chước.
     Thượng hoàng nói:
- Thiện ác đều phải nêu để đối chiếu, không thể bỏ một bên nào. Nếu con ta quả là hiền, thì nghe điều thiện tất phải theo mà học tập, nghe điều ác tất phải ghét mà tránh xa; thiện, ác đều có thể làm gương được cả. Nếu con ta không hiền, thì đợi gì thấy kẻ ác rồi mới làm điều ác? Như Thái Khang (1) thất đức, là bởi các vua trước chơi bời mà bắt chước hay sao? Tùy Dưỡng Đế (2) luôn mồm nói đến Nghiêu Thuấn (3), nhưng mọi việc làm của ông ta thì lại như Kiệt, Trụ (4), có phải là ông ta thấy điều thiện mà bắt chước đâu?
     Uy Túc công cúi đầu nhận là phải.


Chú thích:
(1) Thái Khang là vua triều nhà Hạ (Trung Quốc), chơi bời vô độ.
(2) Tùy Dưỡng Đế Dương Quảng trước thì hãm hại anh là Dương Dũng để được làm thái tử, sau lại giết cha là Tùy Văn Đế Dương Kiên để cướp ngôi, nổi tiếng là hôn quân bạo chúa trong lịch sử Trung Quốc.
(3) Nghiêu, Thuấn là hai vua hiền trong truyền thuyết của Trung Quốc
(4) Kiệt, Trụ là các vua cuối cùng của triều Hạ, Thương (Ân) bên Trung Quốc và đều là các bạo chúa.

No comments:

Post a Comment

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN