Lương Hữu Khánh là con trai Lương Đắc Bằng, quê ở làng Hội Triều (1), lúc nhỏ học rất giỏi, mười tuổi đã biết làm thơ. Nhưng vì nhà nghèo lại ăn khỏe nên Khánh phải từ giã cha mẹ đi kiếm ăn và lập nghiệp. Một lần qua đò sông Tam Kỳ cùng mấy nhà sư, Khánh cứ nhìn chằm chặp vào mấy đẫy oản to của các sư. Một nhà sư biết Khánh đói, đưa cho vài phẩm oản. Khánh từ chối nói:
- Học trò kiết gặp đại bồ tát, tưởng từ bi quảng đại thế nào chứ cho vài phẩm oản thì ăn chẳng bõ dính răng.
Một nhà sư khác liền bảo:
- Là học trò tất biết làm thơ. Trước khi thuyền cập bến mà làm xong một bài vịnh cảnh nhà sư và học trò đi chung thuyền thì sẽ cho cả tất oản đây.
Khánh liền làm ngay một bài thơ chữ Hán:
Nang trung kinh sử kiệp kim cương
Nhĩ ngã kim đồng phiếm nhất hàng
Hội si cù đàn khanh sái lạc
Vị long hoàng các ngã xu thương
Duy biên nhĩ thượng cừu Hàn Dũ
Vãng sự ngô do hận Thủy Hoàng
Nhất ngộ vô đoan tùy tiễn biệt
Nhĩ thành phúc quả ngã vinh xương (2)
Thơ làm xong kịp trước khi thuyền cập bến. Các sư phải đều phục tài và đưa hết oản cho Khánh, Khánh ăn ngấu nghiến một lúc hết ngay. Có một nhà sư còn cho thêm Khánh ít tiền và nói:
- Thí chủ ngày sau tất làm nên sự nghiệp, nếu có cầm quân đánh dẹp qua đâu cũng xin hãy bảo vệ cho nhà chùa.
Sau này Lương Hữu Khánh làm tướng cho nhà Lê trung hưng, cầm quân đánh Mạc, đến đâu cũng đều lệnh quân lính không được xâm phạm chùa chiền và không được giết hại các nhà sư.
Chú thích:
(1) nay thuộc Hoằng Hóa, Thanh Hóa
(2) nghĩa là:
Một hòm kinh sử níp kim cương
Ngươi tớ đò sang khéo một đường
Đám hội đàn chay ngươi đủng đỉnh
Lầu hồng gác tía tớ nghênh ngang
Sau ngươi chả oán thù Hàn Dũ
Đây tớ còn căm giận Thủy Hoàng
Chốc nữa lên bờ ta tạm biệt
Ngươi thì nên phật tớ nên sang
+ Hàn Dũ làm quan triều vua Đường Hiến Tông (Trung Quốc), đả kích phật giáo rất mạnh
+ Tần Thủy Hoàng là tên vua đã đốt sách chôn học trò.
No comments:
Post a Comment