Tây Hồ Phan Chu Trinh bị bắt giải về kinh, trước hội đồng xử án vẫn khảng khái bất khuất. Bị giam vào hộ thành, ông Phan nghĩ chắc không còn hi vọng sống. Một hôm có người cai đội và hai tên lính vào còng tay ông dẫn đi, ông Phan định chắc là dẫn đi chém. Nhưng theo lệ tù phải chém đều dẫn ra cửa An Hòa ở phía Bắc mà lính lại dẫn ông ra cửa Nam, ông hỏi thì cai đội trả lời:
- Anh bị đày đi Côn Lôn.
Ông Phan nghe vậy liền khẩu chiến một bài thơ:
Luy luy giai tỏa xuất đô mônKhảng khái bi ca thiệt thượng tồn
Quốc thổ trầm luân dân tộc tụy
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn (1).
Ra Côn Lôn, ông Phan còn có bài thơ nổi tiếng "Đập đá ở Côn Lôn" như sau:
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non
Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng càng bền dạ sắt son
Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể sự con con.
Ít lâu sau nhiều nhân sĩ của phong trào duy tân như các ông Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành, Ngô Đức Kế, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, ... cũng bị đày ra đảo. Ông Phan Chu Trinh hay tin liền viết mấy dòng gửi thăm: "Thoạt nghe tin anh em ra đây, dậm chân van trời một tiếng. Đoạn nghĩ anh em vì quốc dân mà hy sinh, chắc là có trăm điều vui mà không có chút gì buồn. Đây là một trường học thiên nhiên, mùi cay đắng trong ấy, làm trai giữa thế kỷ hai mươi này không thể không nếm cho biết".
Chú thích:
(1) nghĩa là:
Xiềng gông cà kệ biệt đô môn
Khảng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn
Đất nước đắm chìm nòi giống mọn
Thân trai nào sợ cái Côn Lôn.
No comments:
Post a Comment