T3. HÀM TỬ QUAN

HÀM TỬ QUAN
(Nguyễn Mộng Tuân)

Thành bại nguyên lai bản nhất quan
Thì nhân mạc bả lưỡng ban khan
Trần gia thượng tướng (1) chân long chủng
Hồ thị thiêm văn (2) thị thử can
Thung mộc mai hà xuân thảo lục
Độc lâu khiếu nguyệt dạ triều hàn
Ngư chu na quản hưng vong sự
Túy ngọa hồng song quải điếu can


Dịch nghĩa:
CỬA HÀM TỬ

Được thua đều ở một cửa quan này 
Người đời không nên xem là hai 
Thượng tướng nhà Trần thật là giống rồng 
Thiêm văn họ Hồ rõ là gan chuột 
Cọc gỗ chôn sông, bờ cỏ xuân xanh biếc 
Đầu lâu gọi trăng, làn nước đêm lạnh lùng 
Ngư ông chẳng quan tâm đến việc hưng vong 
Say nằm trên thuyền, gác mái chèo mà ngủ.


Chú thích:
(*) Lịch sử: Cửa Hàm Tử thuộc xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, bên tả ngạn sông Hồng, gần bãi Màn Trù. Giặc Mông Nguyên xâm phạm lần thứ hai, vua tôi nhà Trần rút lui về Thiên Trường và Thanh Hóa. Cuối tháng 5 năm 1285, quân Đại Việt phản công, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chỉ huy quân đánh phá được quân của Toa Đô ở Hàm Tử. Trên dường rút chạy, Toa Đô bị tướng Đại Việt là Vũ Hải chém đầu.
(**) Nguyễn Mộng Tuân: người Vân Khê (Đông Sơn, Thanh Hóa), đỗ thái học sinh năm 1400 đời nhà Hồ; sau theo Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn; làm quan nhà Lê sơ trải ba triều Thái Tổ, Thái Tông và Nhân Tông.
(1) quan thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, người cùng với Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chỉ huy quân đánh bại Toa Đô ở trận Hàm Tử.
(2) Quan thiêm văn nhà Hồ là Hồ Đỗ đóng quân ở cửa Hàm Tử để chặn giặc Minh nhưng bị giặc Minh đánh bại.

No comments:

Post a Comment

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN